Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam:
Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ trong ngành bảo hiểm Việt Nam 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 9.155 tỷ đồng tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Khai thác mới: 6 tháng đầu năm 2013, số lượng hợp đồng chính ước đạt 531.269 hợp đồng, tăng 21,5%. Tổng doanh thu khai thác mới ước đạt 2.621 tỷ đồng, tăng 16,8% so với 6 tháng năm 2012, trong đó, doanh thu khai thác mới của các hợp đồng chính ước đạt 2.429 tỷ đồng, tăng 17,6% so với 6 tháng đầu năm 2012, chiếm 92,7% doanh thu phí khai thác mới. Sản phẩm bảo hiểm bổ trợ có doanh thu khai thác mới đạt 192 tỷ đồng, chiếm 7,3% doanh thu khai thác mới.
Cơ cấu sản phẩm bảo hiểm khai thác mới:
+ Xét về doanh thu khai thác mới: 6 tháng đầu năm 2013, sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn cả, tiếp theo là sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và sản phẩm bảo hiểm tử kỳ.
Cụ thể, doanh thu khai thác mới của sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp đạt 1.250 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 47,7% doanh thu khai thác mới. Doanh thu khai thác mới của sản phẩm bảo hiểm liên kết chung đạt 874 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33,3% doanh thu khai thác mới. Doanh thu khai thác mới của sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 11,3% doanh thu khai thác mới. Doanh thu khai thác mới sản phẩm bảo hiểm trọn đời và sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm tỷ trọng nhỏ trong doanh thu khai thác mới.
Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới ước 6 tháng đầu năm 2013
Đơn vị: Tỷ đồng
bao hiem nhan tho - doanh thu |
+ Xét về số lượng hợp đồng khai thác mới thì sản phẩm bảo hiểm tử kỳ dẫn đầu trong tỷ trọng số lượng hợp đồng khai thác mới của toàn thị trường, tiếp theo là sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp và sản phẩm bảo hiểm liên kết chung.
Cụ thể là, số lượng hợp đồng khai thác mới của sản phẩm bảo hiểm tử kỳ trong 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 28.360 hợp đồng, chiếm 49,7% số lượng hợp đồng khai thác mới. Số lượng hợp đồng khai thác mới của sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 28,8%, liên kết chung chiếm tỷ trọng 21,3% trong số lượng hợp đồng khai thác mới và các nghiệp vụ bảo hiểm khác chiếm tỷ trọng nhỏ.
Các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam tập trung khai thác sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp bao gồm Prudential, Manulife, Cathay, Fubon, Great Eastern. Các doanh nghiệp có tỷ trọng sản phẩm bảo hiểm liên kết chung lớn trong tổng số lượng hợp đồng khai thác mới là ACE, Dai-ichi, AIA, Bảo Việt. Một số doanh nghiệp sử dụng kênh phân phối bưu điện và ngân hàng như Prevoir, VCLI và Aviva có số lượng hợp đồng tử kỳ khai thác mới chiếm đa số.
- Cơ cấu thị phần doanh thu phi bao hiem nhân thọ: Prudential và Bảo Việt Nhân thọ duy trì thị phần dẫn đầu tương ứng là 32,6% và 31,1% về tổng doanh thu. Manulife, ACE, Dai-ichi, AIA có thị phần từ 6% đến 11%. Các doanh nghiệp khác chiếm thị phần không đáng kể.
- Hoạt động đầu tư: Tổng số tiền đầu tư 6 tháng đầu năm 2013 đạt khoảng 70.996 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2012. Tính đến tháng 6/2013, doanh thu từ hoạt động đầu tư ước đạt 3.639 tỷ đồng, tăng 2,4% so cùng kỳ năm 2012. Cơ cấu đầu tư của các DNBH nhân thọ mang tính an toàn với khoảng 60% đầu tư vào trái phiếu chính phủ và 15% đầu tư vào tiền gửi ngân hàng. Các hạng mục đầu tư rủi ro cao như cổ phiếu, góp vốn vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 8% tổng tài sản đầu tư.
- Tổng tài sản: Trong 6 tháng đầu năm 2013, có 3 doanh nghiệp tăng vốn điều lệ là Generali (vốn điều lệ tăng từ 720 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng), Cathay (vốn điều lệ tăng từ 966 tỷ đồng lên 2.008 tỷ đồng), AIA (vốn điều lệ từ 1.035 tỷ đồng tăng lên 1.244 tỷ đồng). Tổng tài sản của các DNBH nhân thọ 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 85.538 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2012. Điều này cho thấy năng lực tài chính vững mạnh của các DNBH, đáp ứng tốt các nghĩa vụ của mình. Biên khả năng thanh toán đều cao hơn nhiều so với biên KNTT tối thiểu theo quy định của pháp luật, trung bình các doanh nghiệp có biên khả năng thanh toán cao hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu 150%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 6 tháng đầu năm 2013 thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn còn một số tồn tại như quy trình quản lý đại lý của một số doanh nghiệp chưa hoàn thiện dẫn đến khiếu nại tố cáo của nhiều đại lý trong việc chấm dứt hợp đồng đại lý, cạnh tranh, lôi kéo đại lý giữa các doanh nghiệp; danh mục đầu tư của nhiều doanh nghiệp vẫn chủ yếu là tiền gửi ngắn hạn, chưa phù hợp với bản chất dài hạn của bảo hiểm nhân thọ; chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng cao so với doanh thu phí bảo hiểm làm giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp...
Sự phát triển bảo hiểm nhân thọ gắn liền với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Với những khó khăn chung của nền kinh tế trong năm 2013, để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định là một thách thức đối với các doanh nghiệp. Vì vậy, bản thân mỗi doanh nghiệp cần tập trung phát triển sản phẩm bảo hiểm mới (như các sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm hưu trí, bảo hiểm vi mô..), đáp ứng được nhu cầu của nhiều tầng lớp người tham gia bảo hiểm, mở rộng được các kênh phân phối mới bên cạnh các kênh phân phối truyền thống giúp bảo hiểm nhân thọ tiếp cận được hơn với người có nhu cầu.
Theo mof.gov.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét