Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

“Đón đầu” sản phẩm bảo hiểm hưu trí nhân thọ


Quy định nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí là một trong những nghiệp vụ kinh doanh của bảo hiểm nhân thọ tại Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi, bổ sung), có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 đã tạo hành lang pháp lý cho các DN bảo hiểm phát triển sản phẩm đang có tiềm năng lớn này.

Thị trường tiềm năng

Theo kết quả của cuộc tổng điều tra dân số tính đến ngày 1/4/2010 của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, số người cao tuổi ở Việt Nam là 8,1 triệu người; tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 60%. Việt Nam đã bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước - dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2040. Sau đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như việc làm, thu nhập, vấn đề nghèo đói và đặc biệt là vấn đề bảo trợ xã hội đối với người già.

Trao đổi với ĐTCK, TS. Hoàng Bích Hồng, Phó trưởng khoa Bảo hiểm, Trường đại học Lao động Xã hội chia sẻ: “Hiện nay, DN phải đóng 22% trên quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động và được tính vào chi phí, còn người lao động phải đóng 8,5% mức tiền lương, tiền công. Do vậy, nhiều DN trốn nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động”. Thực tế thời gian qua, tình trạng chậm đóng, nợ đọng, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ BHXH xảy ra ở hầu hết địa phương, vi phạm và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động nhưng BHXH nhiều tỉnh, thành phố chưa có biện pháp hiệu quả để khắc phục. Năm 2011, tổng số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) lên tới hơn 3.922 tỷ đồng (tăng 33,84% so với số nợ năm 2010), trong đó nợ BHXH hơn 3.338 tỷ đồng, nợ BHYT hơn 584 tỷ đồng. Việc không trích nộp bảo hiểm kịp thời, đúng quy định sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động.
Bên cạnh đó, quy định khống chế mức trần đóng BHXH của Luật BHXH có hiệu lực từ ngày 1/1/2007 không quá 20 tháng lương tối thiểu cũng hạn chế một bộ phận người lao động có thu nhập cao, đang làm tại các DN, các tổ chức có yếu tố nước ngoài sẽ bị giảm quyền lợi một cách rõ rệt khi họ muốn hưởng thụ cao khi về hưu. Ý tưởng thành lập quỹ hưu trí bổ sung đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của dư luận, cho đây là một hướng đi đúng và cần thiết, đó là chưa kể quỹ hưu trí hiện hành còn tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo chi trả trong tương lai gần.

Nhiều DN đón đầu thị trường

Thực tế, không đợi đến khi các cơ quan chức năng có quy định về nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí, các công ty bảo hiểm mới bắt tay vào nghiên cứu, cung cấp loại hình bảo hiểm trên. Các công ty bảo hiểm nhân thọ sớm đánh giá được tiềm năng của phân khúc bảo hiểm hưu trí tại Việt Nam đã cho ra đời các dòng sản phẩm hưu trí như An khang hưu trí toàn diện - Korea life, Phú an gia hưu trí - Prudential, An hưởng hưu trí- Bảo Việt life, Phúc Gia Trường Thọ - Bảo hiểm Manulife Việt Nam

Trưởng nhóm kinh doanh tại một Công ty Bảo hiểm nhân thọ chia sẻ: “Sản phẩm An khang hưu trí toàn diện của Công ty được khách hàng quan tâm. Sau khi kết thúc thời hạn đóng phí toàn bộ bảo tức tích lũy, khách hàng sẽ được chi trả một lần và đây sẽ là một khoản tiền lớn, giúp họ thực hiện ngay những dự định mà mình đang ấp ủ. Ngoài ra, sản phẩm còn có các quyền lợi như: quyền lợi chăm sóc sức khỏe, quyền lợi quà mừng thọ, quyền lợi tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn, quyền lợi hỗ trợ chi phí hậu sự. Đặc biệt, khách hàng sẽ nhận được quyền lợi hưu trí tối đa lên tới 250% số tiền bảo hiểm và được chi trả định kỳ hàng năm”.

Bảo hiểm nhân thọ hưu trí và bảo hiểm hưu trí xã hội tuy có những điểm khác nhau, nhưng không tạo ra sự đối lập mâu thuẫn mà trái lại, chúng bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Bảo hiểm hưu trí nhân thọ sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam trong giai đoạn tới, khi Việt Nam rơi vào tình trạng già hóa dân số.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét